[Quick Review] [Book] Forgive Me, Leonard Peacock – Matthew Quick


4b694056a0c694944c0e364c69b9c54e

(Nguồn ảnh: Google)

Tác giả: Matthew Quick

Tựa đề: Forgive Me, Leonard Peacock (Tựa Việt: Chết đi cho rồi, Leonard Peacock)

Thể loại: Tiểu thuyết cho thanh thiếu niên, Tâm lý

Dịch giả: Lê Thùy Giang

Công ty xuất bản: NXB Trẻ


Forgive Me, Leonard Peacock được nhà xuất bản Trẻ phát hành dưới tên Chết đi cho rồi, Leonard Peacock. Cái tựa dịch như thế nào thì để mọi người tự cảm nhận, mình sẽ không nói gì thêm.

Câu chuyện kể về cậu bé có cái tên rất lạ: Leonard Peacock. Cậu ta phải sống với một bà mẹ vô tâm yêu thích thời trang hơn cả gia đình. Leonard gặp nhiều rắc rối ở trường, xã hội, và trong ngày sinh nhật của mình cậu ta quyết định tặng cho mỗi người cậu ta yêu quý một món quà, đồng thời lên kế hoạch giết người rồi tự sát.

Đây là một câu chuyện dành cho tuổi thanh thiếu niên, bởi thế nó dễ đọc và dễ thấm. Cả câu chuyện giống như một vở kịch, có bi, có hài. Điều đặc biệt khiến mình chọn cuốn sách này là vì nó có một thủ thuật kể khá lạ: Hai trong một. Câu chuyện được kể với ngôi thứ nhất, và ngoài những diễn biến chính, còn có một câu chuyện thứ hai lồng vào mạch chính bằng những dòng footnote. Còn có những bức thư từ tương lai thú vị và dễ thương. Bên cạnh đó là thủ thuật flashback (hồi tưởng). Tất cả làm cho những nhược điểm của ngôi thứ nhất bị hạn chế tối đa và cho độc giả thấy một bức tranh toàn cảnh về cậu bé Leonard.

Không khí của câu chuyện mang nặng chất Mỹ. Nếu ai ưa xem phim Mỹ chắc chắn sẽ nhận ra ngay. So với không khí Anh êm đềm thì LP mãnh liệt hơn và dĩ nhiên, hiện đại hơn. Không có gì lạ nếu người ta so sánh nó với Catcher in the Rye. Nhưng yên tâm hai câu chuyện là hai con đường khác hẳn. Leonard Peacock dễ chịu hơn.

Nội dung không có gì mới, nhưng cách kể mới là thứ quyết định. 4 món quà của Leonard tượng trưng cho 4 mối quan hệ chính của cậu. Kẻ mà cậu muốn giết cũng là một mối quan hệ đáng tiếc của Leo. Câu chuyện nói về nhiều vấn đề của xã hội: Những bậc cha mẹ bỏ bê con cái, nạn bắt nạt ở trường, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, đồng tính, và hơn cả là tâm sinh lý thanh thiếu niên. Có plot twist, cũng không mấy bất ngờ nhưng khá xót xa. Cội nguồn bi kịch luôn có sự giải thích thỏa đáng và mình nghĩ cốt lõi của vấn đề được giải thích rõ ràng và phần nào giảm bớt không khí u tối của cậu chuyện. (Mình phục tác giả ở điểm này khi ông kể, miêu tả những điều quá cay nghiệt nhưng nhẹ nhàng thấm thía).

Giọng văn của một cậu bé bất cần, nổi loạn nhưng giàu tình cảm. Khá hài hước. Truyện đi nhanh, nhưng đôi chỗ có hơi rườm rà. Flash back đôi khi cũng khiến mạch truyện bị đứt. Thông điệp truyền tải và ý nghĩa rất cô đọng, súc tích. Không ngẩn người khi đọc xong nhưng lại có chút gì đó nuối tiếc.

Câu chuyện kết thúc mở, không phải một cái kết rực rỡ hoàn toàn nhưng là một cái kết có hậu (maybe). Một cuốn young-adult thực sự đáng đọc, đặc biệt cho những ai gặp một số vấn đề về tâm sinh lý. Thú vị, độc đáo, nhân văn, hàm súc là những tính từ mình dành cho cuốn sách này. Tuy không phải lúc nào cũng hoàn hảo và chinh phục được tất cả mọi người, nhưng suy cho cùng Leonard cũng đã đạt được thành công.

Cuối cùng, mình xin trích một câu nói của tác giả Matthew Quick để kết bài: “You’re different. And I’m different too. Different is good. But different is hard. Believe me, I know.”

-Ring-

Có một phản hồi

  1. Nghe audio cuốn này mình mất bao nhiêu là nước mắt

Bình luận về bài viết này