Ký ức đầu tiên của Cò Đen – 4


Part 4

Ngôn ngữ thuộc về Hegel


Sáng đó, tôi đang ở trong phòng khám thì chuông điện thoại reo. Trên màn hình hiển thị tên của G.L. Tôi lặng lẽ tắt máy.

Giờ nghỉ trưa, tôi gọi lại cho G.L.

– Câu chuyện của em được đăng từ đầu tuần rồi đấy. Em mua báo mới chưa?

Vừa bắt máy là G.L hỏi ngay, giọng khá vồn vã. Tôi không ngạc nhiên lắm. Chị đã set lịch cho tôi biết từ tuần trước. Tôi đã mua báo nhưng chưa đọc, chỉ ngó qua cái tiêu đề be bé trong mục truyện ngắn. Thực tình nhìn từ góc độ độc giả tôi không nghĩ đây là tác phẩm của mình. Thật xa lạ, như thể chúng thực sự chỉ là sản phẩm của máy đánh chữ. Có đôi thứ thật kì lạ khi tiếp nhận từ những góc nhìn khác nhau.

Tôi trả lời chị như trên. G.L hỏi tiếp.

– Câu chuyện đó thực sự là do bọn em tự sáng tác chứ?

Tại sao chị hỏi vậy? Tôi buột mồm bật lại ngay. Chuyện này từ đầu đã có gì đó không đúng. Thường thì G.L không bao giờ thông báo cho tôi về lịch đăng bài của báo. Chị cũng không quan tâm tôi cảm thấy thế nào về bản thảo sau khi qua kiểm duyệt và một lô chỉnh sửa. Dù gì thì tôi không có quyền thắc mắc hay tỏ thái độ. Dù nó có biến tướng thành thế nào sau khi lên báo, tôi cũng không có lý do gì để giận dữ.

Nhưng hôm nay tôi hơi mệt. Cơn nhức đầu bắt đầu từ sáng sớm. Tôi không muốn vắt óc ra mà nghĩ. Mặt khác, G.L đang hỏi tôi như thể tôi là một tên đạo văn chuyên nghiệp. Có thể chị không có ý đó. Song tôi lại cảm thấy có chút gì hoài nghi không đáng có trong lời nói của chị. Những kẻ viết thuê thường nhạy cảm hơn người thường một chút. Đáng lẽ biên tập viên như G.L phải hiểu điều đó.

Tôi nghĩ chị sẽ tức giận. Thế nhưng G.L chỉ cười và hạ giọng.

– Không có gì đâu. Chị chỉ hỏi thế thôi. Nhiều người không thích câu chuyện đó. Nhưng cũng có khá nhiều nhận xét hay ho đấy.

– Vâng.

Im lặng một lát, đầu dây bên kia kết thúc trước.

– Chị báo cho em biết thôi. Không có gì đâu.

– Vâng. Chào chị.

Tôi cúp máy.

*

Tầm chiều, sau khi giải quyết hết một lô công việc, đầu tôi lại đau dữ hơn. Tôi tìm đại một mớ thuốc uống rồi xin về sớm.

Cuộc điện thoại thứ hai gọi đến đúng lúc tôi vừa nằm vật ra giường được một lúc. Mẹ tôi gọi. Bà hỏi tôi những chuyện thông thường. Đa số chỉ là quan tâm. Tôi trả lời như thường lệ, cố gắng không để bà lo lắng. Kiếm một cái cớ thật hợp lý, tôi tạm biệt bà.

Đặt mình xuống giường, tôi bắt đầu mơ. Một cơn mơ trống trơn? Hay tôi không mơ? Tôi đứng giữa ánh sáng trắng. Chỉ đứng im lặng. Tâm hồn tôi lơ lửng như thế, để mặc cho thân xác ngủ vùi.

Tiếng chuông reo làm tôi bất thình lình rơi khỏi nơi đó. Cuộc thoại thứ ba trong ngày. Tôi bật dậy tóm lấy chiếc điện thoại đang la inh ỏi ở cuối giường. Màn hình không hiển thị tên. Số lạ ư? Bao năm rồi không một số lạ nào gọi tới cho tôi.

Tôi bắt máy, chào rồi chờ đợi.

Đầu dây kia không nói gì. Nhưng tôi có thể nghe thấy tiếng ồn ào của một vài người nữ đang cười đùa, và tiếng thở của người cầm điện thoại.

– Ai đấy ạ? – Tôi mào đầu lần nữa.

– Em đây.

Giọng nữ cao. Tôi không quen ai có giọng như thế này cả.

– Em đây. Tóc cháy đỏ đây. Anh nhớ không?

Tôi nhớ.

Một chút run run, tôi lắp bắp.

– Em đang ở đâu?

– Tối nay bảy giờ, anh rảnh không? – Con bé hỏi tôi. Nó không hề để tâm đến chuyện tôi hỏi nó đang ở đâu.

Tôi trả lời là có. Con bé hẹn tôi ở một quán cà phê bên bờ sông, rồi cúp máy.

Tôi ngồi yên lặng. Điện thoại trong tay tôi trở nên nặng trĩu. Không còn thiết tha chuyện ngủ hay đau đầu, tôi đi kiếm gì đó ăn tạm, đợi đến bảy giờ.

*

Con bé đã ngồi sẵn ở đó chờ tôi.

Nơi đây bài trí chủ yếu bởi những kệ sách. Sách ở khắp mọi nơi, chiếm trọn mọi khoảng trống. Tầm nhìn bị lấp đầy bởi chữ nghĩa. Nếu không có tấm bảng hiệu ngoài kia, rất có thể người ta đã nhầm tưởng đây là một thư viện. Một thư viện – một quán cà phê yên lặng đến kì lạ. Không có những bài hát sôi động mới nổi, không có ánh đèn màu mè sặc sỡ hay đồ nội thất trang trí đắt tiền. Mấy chiếc loa rè rè phát ra giai điệu của một bản nhạc không lời cũ kĩ chẳng ai nhớ tên. Những vị khách chìm đắm trong góc riêng, nơi ánh sáng đèn lờ mờ, không ồn ào, tựa như những cái bóng, những pho tượng cổ im ắng trong viện bảo tàng hiếm người ghé qua.

Và con bé – bức tượng nơi góc cuối căn phòng đang đọc một cuốn sách. Ngồi vào ghế đối diện, tôi lặng lẽ ngắm con bé, trong khi nó dường như chẳng hề nhận ra sự có mặt của tôi. Đôi mắt nó chăm chú đến nỗi tôi không dám quấy rầy, dù là một câu chào hỏi. Như thể những trang sách và con bé đang trao đổi với nhau bằng một thứ ngôn ngữ chỉ thuộc về một mình họ. Ngày trước tôi cũng từng thấy M đọc sách. Giống như con bé bây giờ. Lật giở từng trang một, đắm chìm trong cuộc trò chuyện yên lặng, một thế giới xa lạ chẳng có tôi ở đó. Cảnh tượng ấy luôn khiến tôi cảm thấy buồn.

– Lâu rồi không gặp anh.

Tôi ngẩng đầu.

– Bảy năm.

– Ít thế sao? Em nghĩ phải đến chục năm rồi cơ đấy.

Con bé lật trang sách kế tiếp. Tôi nhìn tiêu đề cuốn sách, rút ra một cuốn giống y hệt thế trên kệ, đọc qua loa vài dòng, nhưng không hiểu nổi nó nói về cái gì. 

– Anh không bận chứ? Em muốn đọc cho xong đoạn này một chút. – Giọng con bé vang lên khiến tôi giật mình. Đôi mắt nó hơi liếc nhìn tôi, nhưng cuốn sách và tư thế ngồi vẫn không thay đổi.

– Tự nhiên đi. Anh rảnh.

Con bé gật đầu và lại cúi mặt xuống. Tôi vẫy phục vụ gọi đồ uống. Tôi không muốn làm khó nó, hay nói đúng hơn, tôi không có dũng khí làm thế. Cuộc gặp gỡ này, hẳn nó biết đây là một ơn huệ đối với tôi. Nó có thể chèo lái tôi bao nhiêu tùy thích. Không có lý do gì để tôi nổi giận hay làm mình làm mẩy.

Cô gái đã biến mất khỏi cuộc đời tôi bảy năm trước, giờ lại xuất hiện. Đột ngột đến mức tôi chưa hiểu liệu mình đang vui hay buồn. Con bé đang ở đây, ngay trước mắt tôi, tồn tại như một nghịch lý. Bộ váy đỏ rực nổi bật quá mức. Mái tóc nhuộm thẫm dưới ánh đèn vàng. Hàng mi giả cong vút một cách cứng nhắc. Đôi môi cherry mím chặt không để lộ nét cười. Hai mươi hai tuổi, có lẽ con bé vẫn còn thích màu đỏ, hoặc dường như tôi đã quá ám ảnh thứ màu chói mắt gắn liền với nó suốt bao năm thơ ấu. Đỏ. Chính M là người đầu tiên gọi con bé như thế. Mái tóc nó ngày trước khô cứng và cháy nắng xơ xác. Không váy vóc son phấn, khuôn mặt ngây ngô đến tội nghiệp, Đỏ trong kí ức tôi trong veo như nước. Hoàn toàn trái ngược với hình ảnh lạnh nhạt vô cảm bây giờ, đến mức tôi cảm thấy sợ hãi.

Sau vài phút, Đỏ gấp cuốn sách lại, đặt ngay ngắn lên kệ. Nó bắt đầu nhìn tôi.

– Anh đã thành bác sĩ rồi nhỉ? Giỏi quá.

– Không hẳn. Anh chưa tìm được việc ổn định. Em thì sao?

– Em làm công ty bình thường thôi.

– Loại công việc thế nào?

Một cái nhíu mày nhẹ tới từ gương mặt lạnh lùng của con bé.

– Làm bàn giấy. Em làm cho công ty tư nhân.

Câu chuyện tạm bỏ dở. Đồ uống của tôi được đem ra. Bản nhạc không lời vô danh bị ngừng, thay vào đó là nhạc Trịnh.

– Sao em biết số của anh? – Tôi đánh bạo hỏi – Cũng hay là tụi mình làm cùng thành phố. Nếu không thì làm sao gặp nhau được.

– Em biết. – Nó nói – Em biết anh ở đây. Ba năm trước M cũng đã từng tới đây.

Tôi cảm thấy một cái gì đó trồi lên trong cổ họng.

– Hai người gặp nhau à? – Tôi hỏi.

Một đàn kiến tưởng tượng bò râm ran sau gáy tôi. Tôi nghĩ mình đang phải đếm từng con một trong khi hai tay bị trói. Thứ hành động vô nghĩa lặp đi lặp lại. Đếm bao nhiêu thì tôi mới hiểu được chuyện gì đang xảy ra.

– Anh ấy chỉ gặp em một thời gian rồi đi mất. – Con bé nói, giọng nhỏ đi dần dần. – Anh ấy không nói gì với em cả. Lần cuối anh ấy chỉ dặn em giữ gìn sức khỏe. Sau đó em không biết tin gì về anh ấy nữa.

Một quãng lặng ngắn phủ ngập chúng tôi.

– Vậy em muốn gặp anh làm gì?

Con bé lắc đầu. Nó dùng tay xoa nhẹ mí mắt.

– Em không biết. Em chỉ… – Con bé với lấy tách cà phê của nó nhấp một ngụm, như để lấy bình tĩnh. – Em nghĩ là nếu gặp được anh sẽ tốt hơn. Em không biết nên nói với ai nữa.

– Chuyện gì?

Lại một lần nữa chúng tôi im lặng. Con bé ngoảnh mặt nhìn về ô cửa sổ gần đó. Ánh đèn của thành phố nhập nhòe như đàn đom đóm. Những hạt mưa bụi bay bay trong bóng tối. Dường như có một cuộc tranh cãi thầm lặng đang diễn ra trong đầu con bé. Nó hẳn đang cân nhắc kĩ nên nói với tôi điều gì.

– “Whatever is reasonable is true, and whatever is true is reasonable.” – Đỏ lẩm bẩm. – Một ai đó có nói câu này.

– Hegel. “Cái gì có lý là sự thật, và cái gì là sự thật sẽ có lý.” Bản dịch quốc tế thôi. Ông ta là người Đức.

Đỏ chống tay lên cằm, một nụ cười lạ lùng nở trên gương mặt nó.

– Đó là một ngôn ngữ đẹp. Anh nghĩ vậy không?

Tôi gật đầu.

Con bé săm soi tôi một lúc. Rồi cúi xuống, thả đường vào ly cà phê, dùng chiếc thìa inox nhỏ khuấy lên.

– Năm mười bảy tuổi, em tới thành phố. Thứ đầu tiên em ấn tượng là một người bán hàng rong đang dùng ngoại ngữ. Em không biết tiếng Anh, dĩ nhiên rồi, em chẳng biết một từ nào cả. Nhưng nơi này luôn có khách du lịch, luôn có người đi đường biết nói tiếng Anh. Và thế là sau vài tháng tới đây, em bỗng nhiên thích ngôn ngữ đó.

“Mặc dù nửa chữ em cũng chịu.” Nó nâng tách cà phê lên, lắc nhẹ trong tay.

– Khoảng năm tháng khi tới đây, em vẫn không thể nói được tiếng Anh. Có một số nghiên cứu cho là não bộ của những người học ngoại ngữ giỏi và những người còn lại hoàn toàn khác nhau. Nghĩa là khả năng học ngoại ngữ của con người sẽ phụ thuộc vào năng khiếu. Em chắc em thuộc phần đa người không có chút năng khiếu nào. Vậy nên, em chấp nhận rằng em là một kẻ mãi mãi sẽ không bao giờ dám đối thoại với người ngoại quốc.

– Anh cũng rất dốt ngoại ngữ. – Tôi thành thật.

– Đó là một khía cạnh khác. Anh học ngoại ngữ vì anh biết mình cần nó cho nhiều thứ. Nhưng em thì không thế. Có một số lý do mà em nghĩ mình muốn được nói ngôn ngữ đó suốt đời. Em có thể dùng nó cho mục đích phi lý. Ví dụ như nói một mình trước gương. Kiểu thế đấy. Một vài người sẽ cho là em sính ngoại, coi thường tiếng mẹ đẻ, làm màu… Sao cũng được. Em chỉ muốn anh hiểu mục đích của em đơn giản hơn thế nhiều. 

Con bé uống cạn ly cà phê rồi gọi thêm một ly khác.

– Mọi chuyện bắt đầu từ khi có người nói câu nói đó với em. “Whatever is reasonable is true, and whatever is true is reasonable.” Có lẽ em phát âm không chuẩn. 

Dường như gã là Việt Kiều Mỹ. Đỏ gặp hắn ta ở quán cà phê sách. Hắn thích đọc sách. Những cuốn ngoại văn. Tiếng Việt của hắn không sõi lắm. 

– Anh ta còn nói nhiều câu khác, nhưng em không nhớ nổi. Toàn là danh ngôn của những người nổi tiếng mà em thậm chí còn không biết họ tồn tại trên đời. Em thích nghe chúng, dù thực tình không hiểu gì lắm. Đôi khi anh ta cũng giải thích cho em, nhưng phần lớn là em tự hiểu theo ý của mình. Em cũng không phiền vì điều đó. Có thể điều em thấy hứng thú chỉ là cái cách anh ta phát âm chúng thôi.

Người phục vụ thay tách cà phê cho Đỏ. Con bé cảm ơn lịch sự.

– Mọi chuyện chỉ diễn ra như thế. Như thế và như thế. Ba tháng sau thì anh ta biến mất. Em không biết gì về anh ta ngoại trừ cái tên và những câu triết lý kiểu Hegel. Có điều triết lý Hegel tồn tại ở đâu cũng được, riêng anh ta thì không. Anh ta chỉ có một. Em từng nghĩ có khi nào anh ta đã hết toàn bộ vốn từ tiếng Anh cho những câu danh ngôn kia hay không, để rồi bỏ chạy như thế. Đó là một bí ẩn. Giờ thì em quên sạch rồi, chỉ nhớ mỗi câu lúc nãy. Khuôn mặt anh ta, em cũng quên mất rồi.

Con bé thở dài. Những ngón tay sơn đỏ chóe của nó ngọ nguậy một cách khó chịu.

– Anh muốn nghe tiếp không?

– Có. – Tôi trả lời.

Bản nhạc Trịnh bị thay đổi thành một bài Concerto cổ điển khác. Vài người khách mới bước vào quán. Ai đó ngó nghiêng chỗ chúng tôi đang ngồi. Góc này khá yên tĩnh và kín đáo cho một cuộc gặp riêng mặt đối mặt. Xung quanh gần như cách biệt. Những giá sách xếp chồng che khuất cả gương mặt người ngồi.

Chúng tôi bình thản uống nước, đọc sách. Một lúc sau thì con bé mới tiếp tục được.

– Hai tháng sau khi anh ta biến mất thì bụng em lớn lên. Em không nghĩ được gì cả. Sếp đuổi việc em. Em sắp chết đói cùng với thứ trong bụng. Thứ đó phải chăng là mớ chữ nghĩa gã đàn ông kia nhét vào. Nhưng là gì thì chả quan trọng nữa. Em biết chắc là em sẽ chết. Thế thôi.

Tôi không nói gì.

Con bé khuấy tách cà phê bằng những ngón tay sơn đỏ. 

– Xem nào. Em đã cố suy nghĩ rất lâu. Nhưng đầu óc em trống rỗng, ngoại trừ Hegel. Em không nghĩ được về cuộc đời em, em luôn nghĩ về Hegel. Hegel. Hegel. Hegel. Cái tên đó ung oang trong đầu. Ấu trĩ đến đáng kinh ngạc.

– Rồi M đã đến đúng lúc đó?

Con bé gật đầu.

– Anh ấy xuất hiện đột ngột như mọi lần. Ý em là như ngày xưa ấy. – Có chút gì đó sống động hơn trong lời nói của con bé. Nhắc đến M, như thể kí ức của nó bắt đầu trở lại. – Anh ấy tới chỗ em, chào hỏi em như mới hôm qua chúng em còn ăn tối cùng nhau. Anh ấy đang làm một việc cực kì nặng nhọc, nhưng lương lậu cũng khá. Anh đã đi nhiều nơi, nơi nào cũng chán phèo như ống điếu. Cuộc đời như khói thuốc lào. Anh ấy nói thế đấy.

Con bé bật cười. Tôi gượng cười theo.

– M đã giúp em giải quyết đám hỗn độn. – Nó kể tiếp. – Kể cả Hegel, công việc lẫn những thứ khác. Anh ấy giúp em mà chẳng gặng hỏi hay trách móc một lời.

– Nó vẫn luôn như thế. – Tôi nói.

– Vâng. Em biết. Anh ấy luôn như thế. Có thể anh ấy không để bụng thật, hay anh ấy không quan tâm? Em không phân biệt được hai trường hợp đó. Dẫu sao thì mọi chuyện cũng giải quyết ổn thỏa. Em tự nhủ mình nên biết ơn hơn là xét nét M về những chuyện tầm phào ấy.

– Nói cách khác là M đã cứu em?

– Đúng như vậy đấy. Và sau khi xong xuôi thì anh ấy đột nhiên biến mất không dấu vết.

Đỏ nâng tách cà phê sóng sánh, nhấp một ngụm. Vết son môi còn dính trên mép sứ. Nó đặt cái tách xuống một cách khéo léo.

– Đôi khi em cứ nghĩ đó chỉ là một giấc mơ.

– Vì quá trùng hợp à?

– Không đâu. Em cho là anh ấy hẳn đã biết em ở đó. Cũng như cuộc gặp gỡ của chúng ta bây giờ. Anh hiểu chứ? Một loại năng lực gì đó hơi… – Con bé ngừng lại một chút để tìm cách diễn tả – … Sao nhỉ? Siêu thực. Gần giống với những gì em muốn nói. Cái siêu thực của anh ấy. Một loại biểu tượng. Không thể tồn tại hữu hình lâu bền được. Cho nên anh ấy mới biến mất.

– Cũng giống như việc chúng ta luôn ở cùng thành phố nhưng chẳng bao giờ gặp nhau. – Tôi nói.

Một ngón tay của con bé hất lọn tóc xõa xuống trán. Nó liếc nhìn đồng hồ trên tay, rồi nhìn tôi. 

– Anh có nghĩ về nguyên nhân tại sao M luôn biến mất đột ngột không?

– Vì M là một biểu tượng. Như em nói lúc nãy.

– Không. Ý em là… tại sao anh ấy luôn phải chạy trốn?

Con bé nheo mắt. Tia nhìn của nó có chút gì đó thay đổi. 

Chạy trốn? Qủa thực cuộc hành trình lang bạt của M giống như một cuộc đào thoát. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì?

Con bé đổi tư thế ngồi. Nó lục trong túi xách một mảnh giấy đưa cho tôi.

– Có người gửi cho anh đấy.

Tôi toan mở nhưng Đỏ ngăn lại.

– Anh nên về nhà đọc.

Câu nói ấy có nghĩa là chúng tôi đã hết chuyện để nói.

– Ai gửi lá thư này vậy?

– Một người rất đặc biệt. Anh sẽ biết ngay thôi.

– Liên quan đến M?

– Gần như vậy.

Tôi không gặng hỏi nữa. 

– Em đến gặp anh chỉ để đưa bức thư này thôi sao? – Tôi hỏi. 

– Không. Em muốn gặp anh. 

Con bé đáp lại ngay lập tức. Tôi biết nó nói dối.

Đỏ gọi người phục vụ thanh toán. Nó dành trả tiền. Một vài tờ Dollar và không yêu cầu trả lại tiền thừa. Người phục vụ cảm ơn rồi rời khỏi.

– Bao lâu thì ta có thể gặp nhau lần nữa? – Tôi gọi với con bé.

– Em phải về.

– Nhưng anh hỏi…

– Con gái em đang đợi ở nhà. – Nó cắt phăng lời tôi.

Tôi theo sau con bé đến cửa. Tấm lưng nó thẳng tắp. Mái tóc xoăn tít đung đưa qua lại. Một chút kí ức ùa về. Cánh đồng rạ. Bầu trời sao. Ngôi làng trong bóng tối. Con bé bên cạnh tôi. Và M… Phải, ký ức của chúng tôi luôn có M.

– Tại sao em lại đi? – Tôi buột miệng.

Đỏ quay lại. Nó nhìn tôi một lát, rồi lặng lẽ nói. Giọng nó nhẹ như tới từ hư không.

– Anh và M đã bỏ em lại một mình.

– Anh không bỏ đi. Anh đi thi đại học.

– Nhưng anh đâu có trở về.

Con bé quay lưng đi thẳng. Nó vẫy một chiếc taxi gần đó rồi bước vào. 

Mưa dường như đã nặng hạt hơn. Tôi bước ra chỗ lấy xe. Tôi phải về nhà. Bức thư rúm ró trong tay tôi. Bức thư? Phải rồi, những bức thư. Chúng luôn là nguồn gốc của rắc rối. Đầu tôi lại đau như búa bổ. Tôi nên về. 

Khi về nhà, tôi quẳng lá thư vào góc tủ. Không biết tại sao nữa, chỉ là tôi không muốn đọc. Có ba viên thuốc chờ trên bàn. Tôi uống sạch, sau đó vào giường nằm. Tôi nghĩ đến những cái máy bay màu đỏ. Nền trời xanh chứa toàn phi cơ tiêm kích đỏ chói. Một điều hoàn toàn phi lý và ngu ngốc.

Một lúc sau thì tôi ngủ thiếp đi. 

 

 

 

Có một phản hồi

  1. […] Chương 4 – Ngôn ngữ thuộc về Hegel […]

Bình luận về bài viết này