[Quick Review] [Book] The Alchemist – Paulo Coelho


tumblr_nxje8ml6xx1u1onhso1_1280

(Nguồn ảnh: Google)

Tác giả: Paulo Coelho

Tựa đề: The Alchemist (nhà văn Paulo Coelho viết bằng tiếng Bồ Đào Nha xuất bản lần đầu năm 1988 tại Brazil) – Tựa Việt: Nhà giả kim

Thể loại: Tiểu thuyết, hư cấu, kỳ ảo

Dịch giả: Lê Chu Cầu

Công ty phát hành: Nhã Nam

Nhà xuất bản: NXB Văn học


“Nhưng nhà luyện kim đan không quan tâm mấy đến những điều ấy. Ông đã từng thấy nhiều người đến rồi đi, trong khi ốc đảo và sa mạc vẫn là ốc đảo và sa mạc. Ông đã thấy vua chúa và kẻ ăn xin đi qua biển cát này, cái biển cát thường xuyên thay hình đổi dạng vì gió thổi nhưng vẫn mãi mãi là biển cát mà ông đã biết từ thuở nhỏ. Tuy vậy, tự đáy lòng mình, ông không thể không cảm thấy vui trước hạnh phúc của mỗi người lữ khách, sau bao ngày chỉ có cát vàng với trời xanh nay được thấy chà là xanh tươi hiện ra trước mắt. ‘Có thể Thượng đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là,’ ông nghĩ.”
– Trích Nhà giả kim –
Đây không phải là một bài review thực sư, chỉ là một ít cảm nhận của tôi khi đọc xong cuốn sách này mà thôi.

Hồi nghỉ lễ mới đọc hết. Sách mỏng nhưng đọc khá lâu, không phải vì nó khó đọc hay gì mà vì lười là chính.

Hồi lớp 5,6 tôi có đọc một lần, bản dịch đầu tiên của nhà xuất bản gì đó không nhớ nữa, nhưng vì đầu óc còn non nên chưa thấm thía lắm. Sau này lớn lên khi đọc lại thì thấy nhiều cái hay ho hơn.

Thực thì tôi thấy cuốn này trên Tiki có nhiều ý kiến trái chiều, người bảo hay hay trên trời, người chê là chê tới bến, riêng tôi vẫn nghĩ nó là một cuốn sách khá OK. Nó mang nặng tư tưởng của Tôn giáo nên có rất nhiều triết lí và hình ảnh biểu tượng. Các bài học và nhận thức trong cuốn này vô số kể, bởi vậy nên mới khiến người đọc chia làm hai nhóm: Nhóm khen bởi rất thích kiểu hiền triết của cuốn sách, hoặc khen vì phong trào. Nhóm thứ hai là nhóm chê. Nhóm này chia làm các nhóm nhỏ khác. Phần lớn là những người cho là cuốn sách quá “giáo điều”, “dạy đời” và “khô khan”. Có thể có nhiều cách nói khác nhau nhưng chung quy lại thì chê nhiều là vì họ thực tiễn và ưa những gì thực tiễn hơn mấy thứ trừu tượng. “Tâm linh vũ trụ”, “Tình yêu”, “Trái tim”… các hình ảnh đó có thể là một thứ ẩn dụ khá hay, nhưng dĩ nhiên nếu nhìn theo hướng khác, nó sẽ trở thành “sến”, “trẻ con”, hoặc thậm chí là “ngớ ngẩn”.

Quay lại vấn đề, tôi nghĩ để chọn đọc cuốn sách này mọi người phải chuẩn bị sẵn tâm lí. Có thể so sánh như thế này: Tại sao phải học Mac-Lenin? Tại sao phải học Tư tưởng HCM? Tại sao phải học Đường lối? Trong khi những tư tưởng đạo lý đó quá ư hiển nhiên và theo bạn thì nó không cần phải nhắc đến nữa, học chỉ mất thời gian. Nhưng nếu nó đã trở thành một môn học nghiên cứu thì nó sẽ không còn là những triết lí cơ bản mà sinh ra người ta đã hiểu nữa. OK, vậy Nhà giả kim cũng đi theo quy luật đó. Không nên coi nó là một cuốn sách fantasy, kì ảo, giả tưởng, lãng mạn… mà hãy coi như nó là cuốn sách triết học – biểu tượng. Bạn có thể tìm hiểu thử qua cuốn Thế giới của Sophie. Hoặc bạn có thể đọc cuốn Utopia (Cuốn này đỡ nặng đô hơn Thế giới của Sophie dù cả hai đều không phải là sách triết chính gốc, thực tế chúng vẫn là truyện kể, và truyện kể thì dĩ nhiên là có nhân vật và tình tiết truyện rồi). Và theo như tôi nghĩ, và chân thành khuyên, những ai tìm kiếm kiểu phiêu lưu như Lord of the Rings thì sẽ không ưa cuốn này.

Có thể sẽ có người phản bác lại rằng Nhà giả kim không phải là một cuốn sách triết học mà nó chỉ đưa ra những câu dạy giáo lí hiển nhiên đến mức có nằm ngủ cũng nghĩ đến được. Nhưng như tôi đã nói ở trên, nếu nó nằm trong phạm vi văn học thường thức thì nó đã khác. Tôi không xếp nó vào chung nhóm với những cuốn sách kia. Tôi nghĩ nó sẽ đứng chung hàng cùng tiểu thuyết Thế giới của Sophie – một thế giới mà lịch sử triết học biến thành các câu chuyện kể, rất ý nghĩa và tinh túy.

Điều cuối cùng tôi nhắc lại, hãy nghĩ xem mình có hợp gout để đọc cuốn sách này hay không. Và hãy xét xem tư tưởng của bạn thuộc loại nào: Theo gót khoa học gia hay hâm mộ thứ triết lý giáo điều khó nhằn kia? Hay nói cách khác: Duy vật hay duy tâm? (Chà, mặc dù nói như vậy thì vô cùng không chính xác, nhưng dễ hiểu hơn. Sorry.)

Well, I think I am a cat.

Bình luận về bài viết này