[Quick Review] [Sách] Ngàn mặt trời rực rỡ – Khaled Hosseini


tumblr_o2u4mmpB7K1u8txdqo1_1280

(Nguồn ảnh: Tumblr)

Note: Bắt đầu từ giờ mình sẽ viết các nhận xét và review theo thiển ý cá nhân. Và đánh giá theo thang điểm cá nhân luôn. Max là 5 sao.

Không ai đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng,

Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng.

(Saib-e- TabriziNhà thơ Ba Tư)

Tên gốc:  A Thousand Splendid Suns – Bản dịch Việt: Ngàn mặt trời rực rỡ

Tác giả: Khaled Hosseini – Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo

Thể loại: Tiểu thuyết, Hư cấu

Giải thưởng: Indies Choice Book Award for Adult Fiction


Mình đọc cuốn này khá là nhanh, mặc dù nó khá dày và có rất nhiều từ lóng giữ nguyên gốc. Mình không ngờ nó lại hấp dẫn mình đến vậy. Thú thực mình ngâm khá lâu chưa mở sách vì ngại độ dày và tư tưởng của nó.

Cốt thì không mới mẻ lắm, nhưng thời sự và đáng nói. Người phụ nữ Afghanistan hay chiến tranh luôn là đề tài nóng bỏng. Ờ thì mình đúng là có chút hơi ngán ngẩm khi thấy đề tài bất bình đẳng giới, căn bản vì đã đọc qua nhiều và cảm thấy hơi sáo mòn. Tuy nhiên khi đọc NMTRR thì mình nhanh chóng bị cuốn vào câu chuyện. Mình chưa đọc bản gốc, nhưng bản dịch của Nguyễn Thị Hương Thảo phải nói là tuyệt vời. Câu văn rất có hồn, dễ đọc và mang chất nhạc. Mình bị hút hồn phần nhiều cũng nhờ giọng văn. Không nhiều từ cao siêu, không duy lý, không triết học sáo rỗng, không có những hàm ẩn sâu xa. Chỉ có những ngôn từ đơn giản nhưng được kết hợp nhuần nhuyễn. Phải nói rằng mình khá bất ngờ, vì đây hẳn không phải là một cuốn sách dễ dịch.

Phần nữa là cách tác giả kể chuyện. Có một đặc trưng mình nhận ra ở đây là cách dẫn dắt rất tự nhiên và tinh tế. Tự nhiên ở chỗ chẳng có chỗ nào mình thấy nó lên gân hay kịch tính kịch liệt quá khích, nhưng vẫn ẩn chứa trong đó cái bi kịch không tả nổi. Có lẽ dùng từ cay đắng cũng gần đúng nghĩa mình muốn nói. Cay đắng chứ không phải khổ sở. Khổ sở là một kiểu văn mình hơi ớn, cái kiểu nói thẳng thắn cái bi kịch đó ra cho người ta giật mình thương xót, song mình thì không ưa lắm vì nó hơi “phô”. Tinh tế ở chỗ mọi chuyện cứ trôi đi, trôi mãi, đôi khi trôi tuột, nhưng chẳng bao giờ quên ngoái đầu lại. Khó nói quá. Kiểu kiểu thế này: Mọi vướng mắc đều được giải đáp, nhưng chẳng mang cảm giác cố tình mà là ngẫu nhiên lời giải nó cứ đến, thế thôi. Chà, khi nào đọc có lẽ bạn sẽ hiểu hơn điều mình nói.

“Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ về hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ.”

Nội dung rất u ám. U ám đến nỗi mình chỉ có ngồi đọc thôi mà cũng cảm giác đầu óc nặng như chì. Toàn bộ phần đầu chỉ có bi kịch nối bi kịch nối bi kịch nối dài. Từ chiến tranh, đến hủ tục, thối nát, cuồng đạo… Nhân vật trung tâm là nữ, nhưng mình thấy dù nam hay nữ sống trong cái xã hội đó đều mang trong mình cả tấn bi kịch từ khi sinh ra. Ngay cả nhân vật được coi như ác là Rasheed cũng có mặt đáng thương. Dàn nhân vật dù chính hay phụ đều có chiều sâu, có được cái “chất” để người ta đồng cảm phần nào đó. Đọc cứ như đang lần mò trong tâm hồn con người vậy. Ngôi thứ ba chuyển đổi góc nhìn liên tục khiến mình nhập tâm thật sự.

Đến gần cuối thì ơn giời cũng bắt đầu có những điểm sáng. Nhưng sao đêm thì vẫn là sao đêm, đọ sao nổi bầu trời đen như mực. Cái cảm giác ức chế nó đeo bám dai đến nỗi thi thoảng bỏ sách xuống nghỉ ngơi mình vẫn nghĩ miên man trên đời này lại có loại cuộc đời như vậy sao. May thay đến cuối sách mình ít ra cũng nở được một chút lòng ruột vì vẫn có đôi ba hạnh phúc được trao vào tay nhân vật.

(Spoiler: (Bôi đen) Cái chết của Mariam là sự giải thoát cho bà, cũng là sự giải thoát cho Laila. Mình không nghĩ sẽ có kết cục khác để cả hai cùng được hưởng hạnh phúc. Sự hi sinh của Mariam cũng như cái cách bà dùng thân mình đánh đổi tất cả để trao tặng hạnh phúc của mình cho Laila, là sự tái sinh bà dành cho Laila. Laila được thừa hưởng món tài sản mà cha Mariam để lại cho bà, được sống bên người mình yêu thương, thực hiện được sứ mệnh mà ngày xưa người ta đã mong muốn ở cô. Và chắc ai cũng đoán ra cái tên đứa con gái sắp ra đời của Laila. Ít nhất mình cũng cho là nó có hậu.)

Hình thức sách đẹp. Bìa sách mình rất thích. Đơn giản nhưng rất vừa mắt. Trong bản dịch có nhiều tiếng lóng để nguyên nghĩa gốc không dịch. Cũng khá hợp lý thôi vì mình nghĩ đó là đặc trưng của đất nước họ thì cứ để thế cũng được. Phần giới thiệu của Nhã Nam mình cho âm điểm, vì spoil quá nhiều, siêu nhiều và làm mất tính bất ngờ của câu chuyện. Lại nữa nói về tiểu sử Laila thấy sai sai.

Tóm lại, mình recommend mạnh cuốn này. Chắc chắn mình sẽ tìm đọc Người đua diều Núi vọng. Yên tâm là mình thường không quá khó tính khi đọc sách, nhưng mình luôn biết mình vừa ý với câu chuyện nào.

Cuốn này mình đánh giá 4/5*.

Bonus: To Mariam ༼☯﹏☯༽

“Bà vẫn ở đây, trong những bức tường họ sơn lại, trong những cái cây họ trồng, trong những tấm chăn giữ ấm cho bọn trẻ, trong những cái gối, những quyển sách và những chiếc bút chì. Bà hiển hiện trong nụ cười của lũ trẻ. Bà ở trong những vần thơ của Aziza và trong những lời cầu nguyện của cô bé khi cô bé vái về hướng Tây. Nhưng trên tất cả, Mariam ở trong lòng Laila, nơi bà tỏa ra những tia ấm áp của ngàn mặt trời.”

 

Bình luận về bài viết này